Những bệnh cơ xương khớp phổ biến ở người bệnh tiểu đường

Việc xuất hiện của nhiều đồ ăn nhanh và chế độ ăn uống không hợp lí là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường ngày càng trở nên phổ biến, trẻ hóa. Những bệnh cơ xương khớp phổ biến ở người bệnh tiểu đường là một trong những biến chứng do bệnh tiểu đường gây nên nếu không kiểm soát tốt.
Biến chứng xương khớp tuy ít được biết đến như biến chứng võng mạc, bệnh lý thần kinh và bệnh thận, nhưng biến chứng mà nó gây ra ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Các biến chứng cơ xương khớp phổ biến ở người bệnh tiểu đường như: bệnh khớp charcot,…

Bệnh khớp Charcot

Bệnh này còn được gọi là bàn chân Charcot. Bệnh khớp charcot xảy ra khi một khớp bị hỏng do tổn thương thần kinh – một biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường. Bệnh khớp Charcot chủ yếu ảnh hưởng đến bàn chân.
Triệu chứng của bệnh khớp Charcot là tê bì, ngứa ran hoặc mất cảm giác ở các khớp bị ảnh hưởng. Do tác động của bệnh tiểu đường, các khớp này dễ bị sưng hoặc biến dạng.
Nếu phát hiện và điều trị sớm, bạn có thể làm chậm tiến triển của bệnh khớp Charcot.

Viêm xương khớp

Viêm xương khớp liên quan tới viêm ở các mô trong khớp và tổn thương sụn. Tình trạng này thường xuất hiện ở người bệnh tiểu đường type 2. Bệnh này không liên quan trực tiếp tới tiểu đường nhưng thường được thấy ở những người thừa cân bị tiểu đường tuýp 2.
Những người bị thừa cân có xu hướng gây nhiều áp lực lên khớp, dẫn tới phát triển viêm xương khớp. Viêm xương khớp chủ yếu gây đau, cứng và âm thanh lạo xạo ở các khớp, hạn chế cử động các khớp.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng viêm gây ra bởi bệnh tự miễn (trong đó cơ thể tự tấn công các mô của nó). Loại rối loạn này được thấy nhiều hơn ở bệnh tiểu đường tuýp 1. Tiểu đường type 1 cũng là bệnh tự miễn, giải thích mối quan hệ tiềm ẩn giữa hai bệnh này.
Đau và sưng là những đặc điểm chính của viêm khớp dạng thấp. Viêm khớp dạng thấp thường liên quan tới các khớp bị viêm, gây cứng và đau. Cứng khớp đặc biệt trong buổi sáng kéo dài hơn 30 phút là một chỉ dấu của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Hội chứng bàn tay của người tiểu đường

Còn được biết đến với tên gọi “bệnh lý khớp bàn tay” (cheiroarthropathy), biểu hiện bằng sự căng cứng và dày lên của da và mô liên kết quanh khớp của ngón tay, gây đau làm giảm cử động khớp. Nguyên nhân gây hội chứng này cho tới nay vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên, đây là biến chứng thường gặp ở người bệnh tiểu đường lâu năm.
Triệu chứng điển hình của bệnh lý khớp bàn tay là không thể mở rộng hoàn toàn 5 ngón tay hoặc chạm bàn tay vừa khít một mặt phẳng. Kiểm soát tốt lượng đường trong máu giúp làm chậm sự tiến triển của hội chứng này.

Loãng xương

Loãng xương là bệnh làm cho xương trở nên yếu và dễ bị gãy. Bệnh tiểu đường type 1 làm tăng nguy cơ loãng xương. Ở giai đoạn sớm, loãng xương không gây triệu chứng. Khi bị nặng hơn, người bệnh sẽ nhận thấy chiều cao bị giảm, tư thế khom lưng về phía trước và gãy xương.
Một lối sống lành mạnh, bao gồm tập thể dục để duy trì cân nặng ổn định và tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng, giàu canxi và vitamin D (có thể bổ sung thêm nếu cần)… là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa và điều trị loãng xương.

Hội chứng tăng tạo xương lan tỏa nguyên phát (DISH)

Còn gọi là bệnh Forestier, tình trạng xơ cứng gân và dây chằng ảnh hưởng đến cột sống. Hội chứng DISH liên quan đến bệnh tiểu đường type 2, các nhà khoa học cho rằng các yếu tố tăng trưởng insulin hoặc giống insulin thúc đẩy sự phát triển xương mới.
Khi bị hội chứng tăng tạo xương lan tỏa nguyên phát, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như tê cứng hoặc giảm phạm vi chuyển động của khu vực bị ảnh hưởng. Nếu hội chứng DISH ảnh hưởng đến cột sống sẽ dẫn đến tình trạng cứng lưng hoặc cổ.
Việc điều trị hội chứng DISH bao gồm quản lý triệu chứng, thường là bằng thuốc giảm đau. Trong trường hợp hiếm, người bệnh cần phẫu thuật để loại bỏ phần xương phát triển bất thường.

Bệnh co thắt Dupuytren

Co thắt Dupuytren là một biến dạng ở tay, trong đó một hoặc nhiều ngón tay bị bẻ cong về phía lòng bàn tay. Bệnh gây ra bởi sự dày lên và sẹo của mô liên kết trong lòng bàn tay cũng như các ngón tay. Co thắt Dupuytren phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường trong thời gian dài.
Nếu bị đau ở bàn tay, người bệnh cần được tiêm steroid để giảm viêm. Ngoài ra, bệnh co thắt Dupuytren còn được điều trị bằng phẫu thuật, tiêm collagenase enzyme hoặc thủ thuật aponeuractomy để loại bỏ các mô dày ở tay.

Tê cứng khớp vai (Frozen shoulder)

Tê cứng khớp vai là tình trạng đặc trưng bởi các cơn đau ở vai, cứng khớp vai và giới hạn phạm vi cử động vai. Bệnh thường chỉ ảnh hưởng đến một bên vai. Nguyên nhân gây tê cứng khớp vai cho đến nay vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên, tiểu đường là một yếu tố nguy cơ phổ biến.
Tiến hành vật lý trị liệu sớm và tích cực sẽ giúp bảo tồn khả năng cử động và tầm vận động của khớp vai.
Những biến chứng cơ xương khớp do bệnh tiểu đường gây ra rất nguy hiểm. Vì vậy, người bệnh tiểu đường cần kiểm soát tốt đường huyết và xây dựng lối sống lành mạnh để phòng ngừa bệnh xương khớp cũng như các biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe.

Để lại một bình luận